Featured Posts

Trường Sa - khúc bi tráng 14-3

LÊ ĐỨC DỤC - MY LĂNG | 08/03/2013 11:00 (GMT + 7) 
TT - Ngày 14-3-2013, cuộc chiến đấu trên vùng biển Cô Lin - Len Đao - Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của những chiến sĩ Hải quân Việt Nam vừa tròn 25 năm. Đảo Gạc Ma bị Trung Quốc xâm chiếm trái phép từ ngày đó. Những người lính hải quân đã lấy máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc. Sự hi sinh của các anh là những huyền thoại bất tử, như “vòng tròn bất tử” giữa trùng khơi...

Dép nhựa, bát cơm, áo, vũ khí... còn lại trong khoang tàu HQ-604. Các thợ lặn chỉ có thể vớt lên chừng ấy vào năm 2008 - Ảnh: Lê Đức Dục

Chuyến xuồng cao tốc CQ từ tàu HQ 936 vừa chở chúng tôi cập đảo Cô Lin. Không như nhiều điểm đảo khác, khi cập đảo anh em báo chí thường níu lấy anh em hỏi han, trò chuyện. Còn sáng hôm ấy, khi xuồng vừa cập đảo, chúng tôi ai cũng vội vã chạy lên tầng thượng. Ở đó, từ đài quan sát, nhìn qua ống kính viễn vọng hướng về phía đảo Gạc Ma, hòn đảo của đất Việt, một phần máu thịt hình hài đất nước đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Những chiếc tàu không trở về
Với khoảng cách chưa đầy hai hải lý, từ Cô Lin nhìn sang, vùng biển quanh đảo Gạc Ma lấp lóa nắng, màu nước từ thềm san hô xanh óng ánh màu ngọc bích. Dưới mặt nước yên bình cạnh thềm đảo Gạc Ma ấy có một chiếc tàu đang lặng im trong lòng biển lạnh đúng 25 năm qua. Và trong khoang con tàu đang chìm sâu kia vẫn còn những di vật và xương cốt của rất nhiều người lính Việt đã hi sinh vào buổi sáng 14-3-1988 bi tráng ấy!

Một tiếng đồng hồ trước khi tàu đưa chúng tôi ghé lên đảo Cô Lin, một buổi lễ tưởng niệm đã diễn ra trên vùng biển các anh đã nằm lại năm xưa. Chuyến tàu nào ra với Trường Sa cũng neo lại vùng biển này để tưởng nhớ. 

Và lần nào cũng vậy, tất cả đều xúc động đến rơi nước mắt, từ vị tướng dạn dày trận mạc đến những bạn trẻ lần đầu đến với đảo xa. Lần nào cũng vậy, những vòng hoa khi thả xuống biển luôn dập dềnh theo ngọn sóng theo tàu một quãng xa. Lần tưởng niệm nào cũng vậy, dù máu các anh đã hòa tan vào vị biển mặn chát từ mấy chục năm rồi, nhưng sắc đỏ trên lá cờ Tổ quốc trong buổi lễ luôn đổ bóng đỏ in vào làn nước biển, cứ ngỡ như dòng máu hi sinh ngày ấy vẫn còn kết thành khối đỏ chưa tan.

Tại nhà truyền thống của lữ đoàn 125 Hải quân (Cát Lái, Q.2, TP.HCM), chúng tôi rất bất ngờ khi thấy những di vật của những người lính hi sinh trong chiếc tàu đắm trên vùng biển Gạc Ma - Cô Lin tròn 25 năm trước đang được lưu giữ nơi này. Tất cả được lưu giữ trong một chiếc thùng gỗ và chưa bao giờ được trưng bày.
Khi chúng tôi loay hoay xếp lại những bức ảnh tư liệu đặt cạnh chiếc thùng gỗ đựng kỷ vật để chọn một góc chụp hình các kỷ vật thì phát hiện một tư liệu quý giá: tấm hình chụp con tàu HQ-604 đúng vào ngày rời bến ra Trường Sa làm nhiệm vụ.
Đấy cũng là chuyến đi cuối cùng của con tàu lịch sử này bởi chỉ vài ngày sau đó, trong cuộc chiến đấu quyết tử, HQ-604 đã bị bắn chìm cùng với những người lính của lữ đoàn 125, lữ đoàn 146 và trung đoàn 83 công binh.
Cả ba chiếc tàu HQ-604, HQ-605 và HQ-505 dù số phận có khác nhau nhưng hôm nay tất cả đã im lặng nằm sâu dưới lòng biển lạnh. Ba chiếc tàu quân sự, 64 liệt sĩ hi sinh, vậy mà tất cả kỷ vật của trận chiến bi tráng năm ấy nay chỉ đựng vừa vặn trong một chiếc thùng gỗ sơn màu lính vốn dùng để đựng súng tiểu liên AK.

Lùa tay vào thớ vải của những bộ quần áo lính được những người thợ lặn vớt lên từ khoang tàu HQ-604, do ngấm nước biển mấy chục năm nay đã trở nên khô cứng ram ráp. 

Dường như qua lần vải kia còn nghe xương thịt người lính hiển linh, chiếc áo này ai đã mặc, chiếc thắt lưng kia của người lính nào? Và chiếc bát ăn cơm đã bị hà ăn mòn trên vành miệng bát...

“Đó là kỷ vật rất thiêng liêng mà bao năm nay lữ đoàn nâng niu gìn giữ, bảo vệ với cả tình cảm và cái tâm của mình chứ không đơn thuần là trách nhiệm”, đại tá Trần Thanh Tâm (chính ủy lữ đoàn 125) vừa mở khóa chiếc hòm vừa nói.

Chiếc hòm gỗ đựng kỷ vật

Khi nắp thùng bật mở, chúng tôi lặng đi khi nhìn thấy những di vật được cẩn trọng gói trong giấy báo. Chính ủy lữ đoàn 125 nâng niu bằng cả hai tay, lấy từng di vật ra. Hai ngòi nổ, một mặt nạ phòng độc M04, hai hộp bộ đổi nguồn thông tin, một hộp đèn soi thông tin (đèn tín hiệu cũ), một bó dây điện nhỏ, một cuốc chim, bốn chiếc dép nhựa, một săm xe đạp. Ba chiếc thắt lưng cũ kỹ đã bị đứt một đoạn.
Hai bát ăn cơm và chiếc quần quân trang của người lính công binh Việt Nam bị rách không đồng màu, loang lổ những dấu vết của biển cả với những vỏ hàu, vỏ ốc kết chặt. Ba chiếc dép nhựa Tiền Phong màu trắng đã bị đứt quai, chuyển màu vàng sậm. Khẩu AK chỉ còn nòng súng, thoi đẩy và đế báng súng.
Sóng gió đã đánh trôi dạt, bào mòn, làm mục nát hết những phần khác của các vũ khí quân tư trang. Tất cả những thứ bằng sắt đều đã gỉ sét, cũ kỹ. Có những di vật đã bị biến dạng, méo mó. Chỉ duy hai bát ăn cơm và ống liều phóng của quả đạn B41 trong hộp nhựa là còn nguyên vẹn.
Đặc biệt, có một ống liều phóng đã được đút vào khẩu B41, sẵn sàng ngắm bắn. Đầu nổ của nó đã bị lòi ra kim phát nổ. “HQ-604 chỉ là tàu vận tải thông thường nên tầm bắn tối đa chỉ ở cự ly 500m. Khi đó tàu HQ-604 đang cách tàu chiến địch 2-3 hải lý (khoảng 3,6-5,4km). Chắc là các bác, các chú đang cơ động cho tàu tiến đến gần tàu địch thì bắn nhưng chưa kịp bắn đã trúng hỏa lực của tàu chiến đối phương” - đại tá Trần Thanh Tâm giải thích.
Nhìn thấy những kỷ vật đã han gỉ, ố đen ấy, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Lanh - khi đó là trung sĩ trung đoàn công binh E83, một trong những thành viên tàu HQ-604 còn sống sót - lặng đi một hồi rồi bảo: “Khi vào đảo, chúng tôi mang theo cả cuốc chim, xà beng, xẻng để đào móng trên nền san hô xây dựng công trình. Đây là quần áo mặc khi xây dựng công trình của lính công binh chúng tôi ngày ấy. Còn cái săm xe đạp này nữa... Ngày đó còn nghèo khổ, nhiều người lính trước khi đi làm nhiệm vụ còn mua cả săm xe đạp mang về nhà làm quà. Tôi cũng mua một cái ở Ba Ngòi trước khi xuống tàu và còn mua cả một dây chuyền bạc để trong rương định sau chuyến đi đó sẽ về tặng người yêu. Chẳng ai nghĩ mình sẽ không trở về nữa... Đôi dép nhựa Tiền Phong của Hải Phòng này ngày đó quý lắm, không phải ai cũng có mà đi. Trước khi bơi vào đảo, nhiều người bỏ dép lại tàu, sợ bị san hô cứa đứt mất. Làm sao đưa được những di vật này về vậy? Chúng đã chìm dưới đáy biển hơn 20 năm rồi”.

Hôm nay là ngày giỗ của 64 liệt sĩ Trường Sa
Hôm nay, ngày 8-3-2013, tức ngày 27 tháng giêng âm lịch. Theo phong tục truyền thống của người Việt, giỗ kỵ được tính theo lịch âm, thì ngày 14-3-1988 - ngày xảy ra cuộc hải chiến Trường Sa - cũng là ngày 27 tháng giêng năm Mậu Thìn. Ngày hôm nay, trên cả nước sẽ có 64 đám giỗ trong gia đình những người lính hải quân và đồng đội của các anh chắc cũng đang tưởng niệm. Báo Tuổi Trẻ quyết định khởi đăng hồ sơ “Trường Sa - khúc bi tráng 14-3” như một nén nhang tưởng niệm các anh, những người đã nằm lại trên vùng biển Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao tròn 25 năm trước!

____________________
Không chỉ những di vật, còn xương cốt của những người lính tham gia trận hải chiến ngày 14-3-1988. Hành trình cùng câu chuyện “vòng tròn bất tử” của những chiến sĩ hải quân sau 25 năm bắt đầu từ hồi ức bi tráng của những người trong cuộc...


Nỗi lòng bác sĩ với những đứa trẻ mang án tử

Nguồn: Yahoo

Bé gái 6 tuổi ung thư giai đoạn cuối khóc gọi "mẹ ơi", ánh mắt khắc khoải của cô bé 12 khi chuyển từ phòng điều trị sang cấp cứu... đều khiến các bác sĩ day dứt, ám ảnh vì thấy mình bất lực trước những sinh linh bé nhỏ ấy.

"Người lớn bị ung thư đã khổ, trẻ con càng khổ hơn, nhiều khi không cứu được mà chỉ kéo dài sự sống. Người lớn có thể chịu đau nhưng trẻ con thì khác, các cháu khóc rất nhiều", bác sĩ Vũ Hải Toàn, khoa Bệnh Máu trẻ em, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương (Hà Nội) chia sẻ.

Theo ngành huyết học được 7 năm, gần một năm nay vị bác sĩ 33 tuổi ấy mới bắt đầu chuyển sang điều trị cho bệnh nhi. Cũng gần như bằng đấy thời gian anh làm quen với vai trò mới - làm cha, vì thế anh càng xót xa hơn "vì các bé cũng xinh xắn, bụ bẫm, tầm tuổi con mình".

"Việc đầu tiên tôi phải làm quen khi mới vào khoa là tiếng khóc của trẻ. Cứ nhìn thấy bóng áo trắng là nhiều cháu đã khóc, mặc dù mình đã dặn dò từ trước là 'Nhìn thấy bác thì không việc gì phải khóc vì bác chả làm gì cả' nhưng trẻ cứ nhìn là sợ bởi nỗi ám ảnh", bác sĩ Toàn nói.

Chỉ nhìn thấy bóng áo trắng của bác sĩ là trẻ đã oà khóc nức nở. Ảnh: N.P.
Cũng theo anh, việc điều trị cho trẻ nhiều khi rất khó khăn. Thể trạng yếu, bệnh nặng, sức đề kháng kém, bệnh nhi thường còn nhỏ nên khó lấy ven trong quá trình làm xét nghiệm, điều trị hóa chất. Có những bé cách 4 tiếng phải tiêm thuốc một lần, tính ra một ngày phải tiêm 6 lần, chưa kể những lần lấy máu xét nghiệm, nhiều khi lấy không được phải lấy lại. Tiêm truyền cho các cháu rất vất vả mà bệnh máu lại phải làm công đoạn này nhiều nên chân, tay, đầu, trán trẻ, chỗ nào lấy được ven được thì lấy hết. Có những bé chỉ cần nghe thấy tiếng xe đẩy đi tiêm truyền đã giật mình, khóc.

"Nhiều khi làm thủ thuật tiêm tủy, đau khóc, có bé bảo bác sĩ "Bác cho cháu về, bác đừng tiêm cho cháu nữa" nhưng mình không làm thế được. Trẻ con nói nhiều câu rất ngây thơ, lại khiến người lớn đắng lòng", bác sĩ Hải buồn bã nói.

Những bệnh nhi đã sang giai đoạn ung thư máu cấp thì gần như lúc nào người nhà cũng được dặn dò chuẩn bị sẵn tinh thần trẻ có thể tử vong bất kỳ lúc nào. Có những cháu hôm trước vẫn "chào bác Toàn" thế mà qua một đêm đã mất.

Là bác sĩ nam, anh tự nhận mình cứng rắn hơn nhiều chị em đồng nghiệp khác nên ít khóc. Dù vậy ánh mắt của một bệnh nhi 12 tuổi ở Hà Tây cũ mắc bệnh ung thư máu vẫn ám ảnh anh đến tận bây giờ. Điều trị nhiều, nhưng bệnh vẫn tái đi tái lại, sức khỏe của cháu ngày một yếu dần. Đến lúc tiên lượng không thể cứu được nữa, các bác sĩ giải thích để gia đình đưa con về.

"Thế nhưng mong muốn được sống của cháu bé quá mãnh liệt khiến những người làm nghề y như chúng tôi cảm thấy xót xa. Hôm trước cháu còn bảo 'Bác điều trị cho cháu để cháu còn khỏe, cháu về đi học', hôm sau mọi chuyện đã khác. Tôi không thể quên được ánh mắt cháu nhìn mình với hai hàng nước mắt chảy dài khi được chuyển sang cấp cứu, cảm giác như cháu đang trách mình vì đã không giữ lời hứa. Cảm giác bất lực, bó tay trước một đứa trẻ mà mình không thể làm được gì", bác sĩ Hải chia sẻ.

"Nghề của bọn mình là vậy, bác sĩ nào cũng sẽ phải chứng kiến sự ra đi của bệnh nhân mà mình không thể làm gì được. Đó có lẽ là cái nghiệp rồi. Nhưng một số chuyên ngành sẽ có được niềm vui trọn vẹn khi bệnh nhân khỏi bệnh, ra viện. Như bác sĩ sản sẽ rất vui khi đón một sinh linh mới chào đời, bác sĩ ngoại cũng thở phào khi thực hiện xong ca phẫu thuật nội tạng, nhưng với những người điều trị bệnh máu ác tính như chúng tôi thì niềm vui không bao giờ trọn vẹn", bác sĩ Hải nói.

Bệnh không khỏi mà chỉ lui bệnh trong một giai đoạn nhất định. Nhiệm vụ của bác sĩ là kéo dài thời gian đó càng lâu càng tốt. Và đến một lúc nào đó, họ lại gặp lại những bệnh nhân ấy trong tình trạng nguy kịch.

Gắn bó với chuyên ngành huyết học đã được 15 năm, bác sĩ Võ Thị Thanh Bình, Trưởng Khoa ghép tế bào gốc, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cũng phải thú thật "không dám nghĩ mình có thể làm việc với các bệnh nhân nhi". Chuyên về ghép tế bào gốc, chủ yếu là điều trị cho người lớn nên những lần đi trực tối hoặc ở phòng khám là những dịp hiếm hoi chị tiếp xúc với trẻ bị bệnh máu ác tính.

"Những lúc cấp cứu, tiếng khóc của các cháu mà mình không cầm lòng được, khó làm lắm. Nhiều hôm trực cùng với một cô bác sĩ khác, cả hai chị em cùng khóc, cô ấy chạy ra ngoài khóc còn mình vẫn phải cố đứng ở trong đấy", bác sĩ Bình chia sẻ.

Đó là một bệnh nhi mới 6 tuổi bị ung thư máu, đã đi chữa ở Singapore mà không có tác dụng. Lúc đó, bé đã ở giai đoạn cuối, gọi "mẹ ơi". Nghe tiếng gọi đó khiến chị không cầm được nước mắt.

"Khi đứng trước một đứa trẻ ốm đau bệnh tật không phải chỉ mình tôi mà tất cả các bác sĩ khác đều cảm thấy đau xót, thông cảm với nỗi đau của gia đình. Cứ nghĩ nó cũng bằng tuổi con mình thôi thì lại càng thuơng hơn. Mình lại càng muốn làm cái gì tốt nhất để kéo dài thêm được cuộc sống cho các cháu. Các bé rất hồn nhiên, vô tư chưa ý thức được bệnh tật của mình", bác sĩ Bình tâm sự.

Bệnh về máu, một khi đã mắc, kể cả một số bệnh nhân đã được chẩn đoán lành tính thì cũng là nhóm bệnh nặng, nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào. Theo bác sĩ Bình, với sự tiến bộ của các phương pháp điều trị hóa chất, ghép tế bào gốc đồng loại thì cơ hội sống cho bệnh nhân ung thư máu cao hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, có các phương pháp điều trị đặc hiệu hơn, điều trị nhắm đích, một số bệnh ung thư máu khả năng kéo dài cao hơn. Với bệnh ung thư kéo dài thêm được 5 năm, người ta cũng nói đấy là khỏi bệnh. Đặc biệt với ung thư máu, ghép tế bào gốc đồng loại không chỉ giảm được nguy cơ tái phát so với phương pháp điều trị hóa chất thông thường mà còn giúp cho bệnh lui lâu hơn.

"Không phải tất cả bệnh nhân đều áp dụng được phương pháp ghép tế bào gốc vì phụ thuộc vào bệnh, có người cho tế bào gốc phù hợp hay không... Cũng vì thế, bệnh viện cố gắng khai thác triển khai trên nhóm bệnh có thể tiến hành được, đồng thời định hướng mở rộng áp dụng cho nhiều nhóm bệnh hơn dựa trên nguồn cho tế bào gốc từ nhiều nguồn khác nhau chứ không phải chỉ là anh chị em ruột", bác sĩ Bình nói.

"Với những người làm chuyên ngành máu như chúng tôi, niềm vui chính là kéo dài được sự sống cho bệnh nhân càng lâu càng tốt. Quan trọng hơn cả là giúp họ trở lại với cuộc sống bình thường. Chỉ cần giúp được một người là đã thấy mình có đóng góp cho đời", bác sĩ Bình tâm sự. 

Nam Phương
Nguồn tin Báo Tuổi Trẻ

Bất ngờ và kinh ngạc tranh dân gian VN

QUANG THI | 27/02/2013 07:24 (GMT + 7)

TT - Ngày 26-2, Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) có cuộc hội thảo và khai mạc triển lãm về tranh dân gian Việt Nam và tranh Lục Vân Tiên. Mức độ quý hiếm và đa dạng của những tư liệu này có thể khiến những người quan tâm phải kinh ngạc.
Các bạn trẻ xem tranh minh họa cho bộ truyện thơ Lục Vân Tiên tại triển lãm ở IDECAF TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Ngoài tranh dân gian của Henri Oger vốn từng công bố rộng rãi, từ tranh dân gian của Maurice Durand đến tranh Lục Vân Tiên đều được xem là lần đầu công bố tại Việt Nam. Những tư liệu quý hiếm này đều đang được lưu trữ tại Viện Viễn Đông Bác Cổ Paris (Pháp). Sách về tranh dân gian của Maurice Durand chỉ đem qua Việt Nam được năm quyển. Còn bộ tranh Lục Vân Tiên hoàn toàn là một phát hiện mới, chưa từng có một nghiên cứu nào.


Tranh dân gian xưa trong bộ sưu tập đã in sách của Maurice Durand  - Ảnh: T.T.D.
Cầm trên tay quyển sách tranh dân gian của Maurice Durand, GS Phillippe Papin của Trường cao học Thực hành Paris - một cựu chuyên viên của Viện Viễn Đông Bác Cổ trước đây - tự tin nói: “Xưa nay nói đến tranh dân gian là người ta nói đến tranh Đông Hồ, nhưng thật ra tranh Đông Hồ chỉ chiếm 1% tranh dân gian Việt Nam. Người ta cũng đề cập đến tranh Hàng Trống và các loại tranh khác, tất cả nay đã thất truyền. Nhưng trong quyển sách này vẫn lưu giữ những thể loại tranh đó...”.


Đa dạng và điêu luyện

  "Tôi thích tranh dân gian Việt Nam,   thích còn hơn tranh dân gian của  Trung Quốc. Các họa sĩ Việt Nam ngày xưa rất điêu luyện"
GS Phillippe Papin

Maurice Durand nguyên là giám đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Hà Nội trước đây. Ông có thú vui là sưu tầm tranh dân gian của Việt Nam. Năm 1956 khi rời nhiệm sở, ông mang theo cả bộ sưu tập cá nhân này về Pháp. Khi ông mất, vợ ông hiến tặng bộ sưu tập cho Viện Viễn Đông Bác Cổ.
Năm 1960, bộ sưu tập này của ông Maurice Durand lần đầu xuất bản thành sách tại Pháp. Nhưng theo nhận xét của GS Phillippe Papin thì bản in lúc đó còn chưa chất lượng lắm. Dựa trên bản cũ, ông Phillippe Papin đã chỉnh lý những chi tiết để phần nội dung hợp lý và sáng sủa hơn với các ngôn ngữ Việt - Pháp - Hán - Nôm. Đó là một công việc khó khăn được GS Papin chia sẻ bằng sự khôi hài: “Hãy tưởng tượng xem những bức tranh có chữ Nôm, trong khi bàn phím máy tính chỉ có font chữ Hán. Làm sao gõ chữ Hán ra thành chữ Nôm đây? Nhiều lúc bế tắc tôi chỉ muốn... tự tử!”.

GS Philippe Papin giới thiệu sách tranh do Maurice Durand sưu tập - Ảnh: T.T.D.
Công việc thì công phu mệt nhọc, nhưng thành quả thì thật lý thú. Quyển sách về tranh dân gian Maurice Durand này gồm những nội dung như: Cuộc sống hằng ngày và thiên nhiên, Tôn giáo và tín ngưỡng, Văn học Việt Nam (Kiều, Thạch Sanh, Phạm Công - Cúc Hoa...), Văn học Trung Quốc (Tây du ký, Tam quốc chí...). Phillippe Papin không giấu được sự khâm phục khi nhận xét: “Tôi thích tranh dân gian Việt Nam, thích còn hơn tranh dân gian của Trung Quốc. Các họa sĩ Việt Nam ngày xưa rất điêu luyện. Tôi phát hiện có những màu xanh, màu hồng... rất mềm, rất nhẹ mà ở các họa sĩ dân gian Việt Nam mới có. Cả tính đa dạng nữa, tranh dân gian Việt Nam mà ông Maurice Durand sưu tầm có tranh sang trọng, có tranh bình dân, có tranh đề tài xưa mà cũng có tranh Việt Nam thời Âu hóa, thời xây dựng xã hội chủ nghĩa (1956)...”.

Tranh Lục Vân Tiên: bất ngờ tìm thấy sau gần 120 năm

Triển lãm Tranh dân gian Việt Nam - tranh bộ ba của Henri Oger, Maurice Durand và tranh Lục Vân Tiên được trưng bày tại IDECAF, TP.HCM cho đến ngày 6-4. Ông Phillippe Papin giải thích sở dĩ các loại tranh trên đều được gọi là dòng tranh dân gian bởi vì tranh được sáng tác bằng kỹ thuật in bản gỗ thủ công dân gian, sau đó họa sĩ mới tiếp tục gia giặm thêm màu sắc dựa trên bản in gỗ đó.
Cuộc hội thảo ngày 26-2 cũng đã diễn ra với sự tham dự của giáo sư Phan Huy Lê, GS Phillippe Papin (Trường cao học Thực hành Paris), GS Pascal Bourdeaux (trưởng đại diện EFEO tại TP.HCM), ông Marcus Durand (con trai ông Maurice Durand)...

Về bộ tranh Lục Vân Tiên, GS Pascal Bourdeaux - trưởng đại diện văn phòng Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại TP.HCM - cho biết trong thời kỳ Pháp thuộc, một người Pháp tên là Eugene Gibert rất thích thú với truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu. Ông đặt hàng một họa sĩ Huế tên là Lê Đúi Trạch vẽ lại bộ truyện này. Bộ sách dày gần 300 trang, hoàn thành năm 1895 - 1897, với phần minh họa sinh động như một bộ truyện tranh thật sự. Năm 1899 ông Eugene Gibert tặng quyển sách cho Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp. Nó nằm trong kho lưu trữ và không ai để ý.

Mãi đến cách đây hai năm, nhân một dịp giáo sư Phan Huy Lê qua Pháp, người của Viện Viễn Đông Bác Cổ giới thiệu một tài liệu “không biết là cái gì, nhưng có liên quan đến Việt Nam”. Bộ truyện tranh Lục Vân Tiên được phát hiện như vậy.

Đứng trước bộ tranh Lục Vân Tiên, GS Phillippe Papin lại xuýt xoa: “Những người Pháp ngày xưa như Henri Oger, Eugene Gibert thích thật, có tiền là có thể thuê họa sĩ Việt Nam vẽ luôn cho mình một bộ tranh. Nếu tôi có tiền, tôi sẽ dịch ngay bộ sách của ông Maurice Durand ra tiếng Việt!”.

Còn GS Pascal Bourdeaux thì cho biết: “Bộ tranh Lục Vân Tiên này hoàn toàn là tác phẩm vừa phát hiện mà chưa có nghiên cứu nào. Chúng tôi mong muốn người Việt hãy cùng giúp chúng tôi. Tất nhiên đây là công việc của người Pháp, nhưng cũng là di sản của Việt Nam, nên chúng tôi hi vọng có những cộng sự Việt Nam cùng làm”.

Tổng số lượt xem trang

Blogroll

About

Blogger templates

Blogger news

Trang

Được tạo bởi Blogger.